Một số nội dung sửa đổi, bổ sung chính trong Nghị định sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung chính trong Nghị định sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP

  1. Về đối tượng thẩm duyệt

Theo khoản 3 Điều 13, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, đối tượng thẩm duyệt gồm: (1) Đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,…(2) Dự án, công trình tại Phụ lục V khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC (3) Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC

Tại Nghị định mới đã điều chỉnh, sửa đổi như sau:

– Bỏ đối tượng thẩm duyệt “Đồ án quy hoạch”: nội dung này đã được quy định trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt quy hoạch, thực tế hiện nay khi phê duyệt quy hoạch đều cần lấy ý kiến của các sở ngành, trong đó đã có ý kiến của cơ quan Cảnh sát PCCC. Do đó, bỏ quy định về thẩm duyệt “Đồ án quy hoạch” giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian triển khai các dự án nhưng đồng thời cũng không ảnh hưởng đến yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC trong giai đoạn quy hoạch.

– Quy định rõ hơn các trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC, bao gồm: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi tính chất sử dụng làm tăng hạng nguy hiểm cháy và cháy, nổ của hạng mục công trình, gian phòng; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình. Điều chỉnh này nhằm làm rõ hơn nội dung “cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC” của Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trong đó xác định rõ chỉ một số cải tạo lớn, ảnh hưởng đến quy mô, tính chất và thay đổi lớn hệ thống PCCC của công trình mới cần phải thẩm duyệt; các trường hợp cải tạo khác không yêu cầu phải thẩm duyệt thì chủ đầu tư vẫn phải thực hiện bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về PCCC và cán bộ kiểm tra an toàn PCCC sẽ có kiểm tra, đánh giá trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC công trình theo quy định.

  1. Về các thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC

– Bỏ thủ tục chấp thuận địa điểm xây dựng, góp ý đồ án quy hoạch, góp ý hồ sơ thiết kế cơ sở.

– Điều chỉnh, cắt giảm giấy tờ hồ sơ đề nghị:

+ Điều chỉnh tên thành phần hồ sơ “Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác” thành “Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình”. Thực tế quá trình triển khai thực hiện theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, có nhiều dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công,… không có các tài liệu như “Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư”, “văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng”, “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, ví dụ như các dự án BT thì tài liệu pháp lý của dự án BT và dự án khác là hợp đồng BT,…

+ Cắt giảm các hồ sơ, tài liệu do cơ quan Công an an bành như: giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC; giấy chứng nhận thẩm duyệt và hồ sơ đóng dấu đã thẩm duyệt.

+ Điều chỉnh quy định về trường hợp ủy quyền nộp hồ sơ: không yêu cầu phải có văn bản ủy quyền mà nội dung ủy quyền được tích hợp trong mẫu đơn đề nghị thẩm duyệt (mẫu PC06).

  1. Về nội dung thẩm duyệt:

Bỏ 02 nội dung: (1) Danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy, các tài liệu kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật và công nghệ được áp dụng để thiết kế công trình (2) phương án chống sét, chống tĩnh điện

  1. Thẩm quyền thẩm duyệt

Bổ sung phụ lục Va quy định về danh mục dự án, công trình thuộc thẩm quyền của C07 và phụ lục Vb quy định về danh mục dự án, công trình thuộc thẩm quyền của PC07. Trong đó có một số thay đổi chủ yếu sau:

– Phân cấp toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC cho PC07.

– Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định C07 thẩm duyệt công trình chiều cao 100 m, tại Nghị định sửa đổi điều chỉnh thành 150 m.

– Nghị định 136/2020/NĐ-CP trước đây quy định C07 thực hiện thẩm duyệt các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; tại Nghị định sửa đổi đã phân cấp thêm cho PC07, trong đó C07 chỉ thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có công trình quy mô lớn (cấp đặc biệt, cấp I)

  1. Về hồ sơ đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu

Bỏ một số thành phần hồ sơ nộp đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu. Theo Nghị định mới chiều yêu cầu: (1) đơn đề nghị (2) Báo cáo (3) Bản vẽ hoàn công (4) Biên bản nghiệm thu hoàn thành. Lưu ý: các thành phần hồ sơ khác thuộc hồ sơ nghiệm thu, chủ đầu tư vẫn phải lập đầy đủ theo quy định, cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra các thành phần hồ sơ này khi kiểm tra thực tế tại công trình.

* Một số nội dung lưu ý:

  1. Các trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng theo điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP

– Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn đối với tầng nhà, công trình thì khi thay đổi làm tăng một trong các yêu cầu về an toàn cháy như: bậc chịu lửa, hạng nguy hiểm cháy, nổ, diện tích khoang cháy, bố trí công năng, giải pháp thoát nạn… Ví dụ: chuyển đổi công năng từ văn phòng F4.3 thành trung tâm thương mại F3.1, làm tăng mật độ người dẫn đến yêu cầu tăng số lối thoát nạn, từ nhà sản xuất hạng D sang hạng C bị giới hạn diện tích khoang cháy,…

– Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy (bản chất thay đổi nguyên lý của hệ thống báo cháy như chuyển từ hệ thống báo cháy theo địa chỉ thành theo vùng và ngược lại, lắp mới thêm trung tâm báo cháy để thêm loop, thêm đầu báo cháy…).

– Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy (bổ sung, bỏ hệ thống chữa cháy cho nhà, khu vực; thay đổi chủng loại hệ thống chữa cháy từ chữa cháy bằng nước sang lắp mới chữa cháy bằng khí, bằng bọt…).

  1. Các trường hợp chuyển tiếp

2.1. Quy định chuyển tiếp tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP: “Cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho công trình, phương tiện giao thông cơ giới tiếp tục thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy cho các công trình, phương tiện giao thông cơ giới đó. Dự án, công trình đã được góp ý về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở, chưa được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm e khoản 5 Điều 1 Nghị định này”.

Theo đó, đối với các công trình trước đây thuộc thẩm quyền của C07, nay theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của PC07 Công an địa phương thì thực hiện như sau:

– Các công trình đã được C07 cấp GCN thẩm duyệt thì C07 tiếp tục thực hiện việc thẩm duyệt điều chỉnh, nghiệm thu tại C07;

– Các công trình còn lại chưa được C07 cấp GCN thẩm duyệt (bao gồm trường hợp đã được góp ý thiết kế cơ sở hướng dẫn, kiến nghị hồ sơ thiết kế kỹ thuật) do PC07 Công an địa phương thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo phân cấp hiện nay.

2.2. Quy định chuyển tiếp tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP: “Đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã được góp ý về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở hoặc cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục V Nghị định này thì chủ đầu tư thi công tự tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình”.

Theo đó, các công trình thuộc phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC (bao gồm các trường hợp xây dựng mới và trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng) nhưng chưa được cấp văn bản nghiệm thu, nay không thuộc phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì không yêu cầu phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt điều chỉnh, kiểm tra kết quả nghiệm thu mà chủ đầu tư tự tổ chức nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Trường hợp công trình thuộc phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, nay vẫn thuộc phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP (bao gồm cả trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng không thuộc điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP) thì cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn tiếp tục thẩm duyệt điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và kiểm tra kết quả nghiệm thu theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *